Khi hiện vật mới xuất lộ, vì nghi là vật liệu nổ trong chiến tranh còn sót lại nên chính quyền địa phương đã báo cơ quan quân sự thị xã Sông Cầu tổ chức tháo dỡ và đưa về cơ quan. Nhận được thông tin, ngày 18/4/2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Phú Yên đã đến khảo sát và xác định đây là hai hiện vật súng thần công. Sau đó, cơ quan quân sự thị xã Sông Cầu đã lập thủ tục bàn giao hiện vật cho Bảo tàng Phú Yên quản lý theo quy định. Ngày 24/4/2014, hai hiện vật súng thần công được đưa về Bảo tàng tỉnh.
Những ký hiệu trên một khẩu súng |
Đạn Thần công |
Đặc điểm hiện vật
Mặc dù bị vùi lấp lâu ngày trong lòng đất, nhưng sau khi tiến hành làm sạch cho thấy hiện trạng hai khẩu súng thần công còn tương đối nguyên vẹn, còn nhận rõ được những đặc điểm trên thân súng. Hai khẩu súng khá giống nhau về hình dáng tổng thể nhưng khác nhau về những chi tiết trang trí, ký hiệu trên thân súng, và có chênh lệch chút ít về kích thước, trọng lượng.
Cả hai khẩu súng đều được đúc bằng hợp kim gang và sắt. Thân súng có dạng hình trụ tròn, thu nhỏ dần từ đuôi súng đến miệng nòng.
- Khẩu thứ nhất (BTPY3581/KL) có số đo: chiều dài 198cm; đường kính đuôi súng 30cm; đường kính miệng nòng 23cm (phủ bì), 11cm (lọt lòng); trọng lượng 570kg.
- Khẩu thứ hai (BTPY3582/KL) có số đo: chiều dài 188cm; đường kính đuôi súng 33cm; đường kính miệng nòng 21cm (phủ bì), 11cm (lọt lòng); trọng lượng 516kg.
Trên thân cả hai súng đều có chốt súng (trục quay) dùng để cố định súng trên giá đỡ hoặc để lắp vào các bánh xe khi di chuyển. Các chốt súng bố trí đối xứng nhau qua thân súng. Chốt súng có dạng hình trụ tròn, đường kính 10cm. Khoảng cách từ chốt súng đến miệng nòng 90cm.
Phía sau đuôi súng có núm hình cầu; có quai súng hình vòng cung, một đầu nối vào núm hình cầu, đầu còn lại nối vào đuôi súng.
Cuối đuôi súng có đúc một khối nổi, trên mặt khối nổi có lỗ điểm hỏa rộng 1cm, đã bị nêm kín bằng một thanh kim loại.
Trên thân mỗi khẩu súng có đúc nổi biểu tượng hình vương miện cùng 3 ký tự viết tắt bằng chữ La Tinh (một khẩu là SJS, khẩu còn lại là EOL) và số 10.
Khi phát hiện, bên trong mỗi khẩu súng còn 1 viên đạn bằng kim loại, hiện đã được lấy ra ngoài, đạn hình cầu có đường kính và trọng lượng lần lượt là: 10,5cm, 3,3kg và 11,4cm, 4,2kg.
Vị trí phát hiện
Đầu tháng 5/2014, khi đến khảo sát vị trí phát hiện hai khẩu súng, còn nhận thấy dấu tích hai hố khai quật, mỗi hố tương ứng với một khẩu súng. Cả hai hố đều có độ sâu 2,5m so với mặt bằng xung quanh, nằm song song với nhau và cách nhau 3,2m. Vị trí này cách mép nước Vũng Lắm thuộc vịnh Xuân Đài khoảng 70m. Hướng của các hố theo chiều tây bắc – đông nam, theo mô tả lại của những người tham gia và chứng kiến khai quật thì cả hai khẩu thần công khi phát hiện đều quay nòng về hướng tây bắc, ở trạng thái đuôi súng và đầu nòng không chênh lệch về độ cao.
Địa bàn khu phố Tân Thạnh ngày nay hình thành trên cơ sở làng Tân Thạnh xưa. Đây là một địa danh cổ nằm bên bờ Vũng Lắm trong vịnh Xuân Đài. Trong lịch sử, Vũng Lắm hay còn gọi là Vịnh Lâm là một thương cảng lớn, có vị trí rất quan trọng trong hoạt động giao thương giữa Phú Yên với bên ngoài, và là vị trí chiến lược về mặt quân sự, nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt trong thời kỳ chiến tranh giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh ở cuối thế kỷ XVIII. Sử liệu triều Nguyễn cho biết, ở đây từng diễn ra nhiều trận đánh lớn vào các năm 1775, 1793, 1794, 1800, 1801, cụ thể: Năm 1775, tướng của chúa Nguyễn là Tống Phước Hiệp đánh chiếm Phú Yên, quân thủy và bộ đều đóng tại khu vực Xuân Đài, sau đó bị quân Tây Sơn đánh bại phải rút quân về phía Nam. Đến năm 1793, Nguyễn Ánh chỉ huy đại quân đánh chiếm Phú Yên, nhưng sang năm 1794, quân Tây Sơn giành lại Phú Yên. Năm 1800, quân Nguyễn Ánh tiếp tục đánh chiếm Phú Yên, thủy quân đóng tại Vũng Lắm, năm 1801 quân Tây Sơn bí mật đột kích Vũng Lắm, tướng của Nguyễn Ánh là Lưu Tiến Hòa tử trận, quân Nguyễn đại bại ở Vũng Lắm.
Nhận định bước đầu
- Về xuất xứ và niên đại: Căn cứ vào đặc điểm hiện vật, có thể xác định hai khẩu thần công này có xuất xứ từ châu Âu, được chế tạo vào khoảng thế kỷ XVIII. Những ký hiệu viết tắt bằng ký tự La Tinh trên thân hai khẩu thần công có khác nhau (SJS và EOL), chứng tỏ được chế tạo ở hai hãng khác nhau.
- Nhiều khả năng hai khẩu thần công này được sử dụng trong thời kỳ giao tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Loại vũ khí này thường được buộc hai khẩu song song ở phía trước mũi thuyền chiến, đuôi súng có quai dùng để buộc dây vào thuyền, khi bắn không bị rung mạnh.
- Cả hai khẩu thần công đều có hiện tượng bị vô hiệu hóa khả năng sử dụng vì các lỗ điểm hỏa bị nêm, tán chặt bằng các thanh kim loại, trong khi bên trong nòng súng còn đạn. Căn cứ vào hướng quay (song song với bờ vịnh) và trạng thái súng khi phát hiện cho thấy súng không nằm trong tư thế phòng thủ, đây có thể là vũ khí của bên thua trận bỏ lại.
N.H.A