Quá trình khai khẩn, thành lập làng xã trên vùng đất Phú Yên diễn ra từ cuối thế kỷ XVI gắn với công lao to lớn của danh nhân Lương Văn Chánh. Tuy nhiên, để có được một diện mạo của Phú Yên như hôm nay, thì trong khoảng thời gian hơn 4 thế kỷ qua, nhiều thế hệ người Phú Yên đã nối tiếp sự nghiệp của Lương Văn Chánh, không ngừng ra sức mở mang đất đai, phát triển sản xuất, tạo lập cơ nghiệp. Sự ra đời của tổng Hòa Lộc thuộc phủ Tuy Hòa trên cơ sở những làng mới hình thành vào cuối thế kỷ XIX, tại địa bàn phía nam của tỉnh, gắn với công chiêu mộ khai khẩn của ông Lê Trung Lập, là một đóng góp quan trọng vào quá trình khẩn hoang lập làng ở Phú Yên.
Năm 2009, trong quá trình khảo sát, sưu tầm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, lập hồ sơ di tích, chúng tôi đã đến khảo sát nhà thờ họ Lê tại thôn Phú Khánh, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa. Theo hậu duệ họ Lê, nhà thờ họ được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX theo kiểu nhà lá mái. Qua thời gian và chiến tranh, kiến trúc gốc bị xuống cấp, sụp đổ hoàn toàn. Sau năm 1975, tại vị trí cũ của nhà thờ, hậu duệ họ Lê xây dựng lại một căn nhà đơn giản theo kiểu nhà cấp 4, vừa làm nơi thờ phụng tổ tiên vừa làm nơi ở của gia đình. Ngôi nhà này cũng đã qua nhiều lần tu sửa, hiện tại có kết cấu khung cột, mái ngói, tường gạch, theo kiểu kiến trúc nhà ở thường gặp tại vùng nông thôn hiện nay.
Mặc dù trải qua nhiều biến cố, nhưng nhờ được gìn giữ và bảo quản cẩn trọng nên nhiều tài liệu và các đồ vật trong nhà thờ họ Lê còn được lưu lại đến nay. Tại đây, chúng tôi đã tiếp cận được nhiều tài liệu Hán Nôm bản gốc nói về nhân vật Lê Trung Lập. Cụ thể như: bản sắc phong của vua Khải Định năm thứ 9 (1924) phong ông Lê Trung Lập là Khai canh chi thần; các văn bản của quan đứng đầu tỉnh Phú Yên cấp bằng Quản mộ và bổ nhiệm ông Lê Trung Lập làm Chánh tổng; văn bản của triều Nguyễn phong tặng Chánh Bát phẩm văn giai cho ông Lê Trung Lập; văn bản kê khai công tích của ông Lê Trung Lập viết năm 1918, có xác nhận của chánh tổng Hòa Lộc là Huỳnh Quyển và lý trưởng các thôn trong tổng. Ngoài các tài liệu nêu trên, tại nhà thờ họ Lê còn lưu giữ một số di vật khác như: di ảnh ông Lê Trung Lập, tráp gỗ đựng sắc phong, hai bàn thờ bằng gỗ và cặp liễn đối.
Ngoài ra, tại từ đường của một chi phái họ Lê khác ở thôn Hội Cư, xã Hòa Tân Tây, chúng tôi được tiếp cận cuốn gia phả bản gốc viết bằng văn tự Hán Nôm. Cuốn gia phả được để bên trong tráp gỗ và đặt trang trọng trên bàn thờ tổ. Gia phả này đã được hậu duệ họ Lê sao chụp và phiên dịch. Đây cũng là một tài liệu quan trọng đối với việc tìm hiểu về thân thế, tiểu sử nhân vật Lê Trung Lập.
Trên cơ sở nguồn tài liệu thu thập được như đã nêu và qua kết quả khảo sát, tìm hiểu quá trình hình thành các địa danh cấp thôn, tổng ở khu vực hữu ngạn sông Đà Rằng, bước đầu có thể khái quát về cuộc đời, sự nghiệp của nhân vật Lê Trung Lập (1844 – 1919) và quá trình khai phá, thành lập tổng Hòa Lộc thuộc phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vào cuối thế kỷ XIX.
Lê Trung Lập lúc nhỏ có tên là Lê Trung Vĩnh, sinh năm Giáp Thìn 1844, tại thôn Hội Cư, tổng Hòa Lạc, huyện Tuy Hòa, nay là thôn Hội Cư, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Theo gia phả họ Lê ở Hội Cư, tổ 5 đời của Lê Trung Lập là Lê Văn Trà đã đến định cư tại địa bàn này. Các thế hệ tiếp theo là Lê Văn Tình, Lê Văn Xiêm, Lê Văn Nguyên.
Ông Lê Văn Nguyên và bà Nguyễn Thị Hiệp (thân phụ và thân mẫu của Lê Trung Lập) sinh 11 người con, Lê Trung Lập là con thứ 10. Lê Trung Lập có 2 vợ là Lương Thị Thiết (chánh thất) và Trần Thị Dư (kế thất), sinh hạ 20 người con, sống trưởng thành 9 người gồm 3 nam, 6 nữ: Lê Trung Đáng, Lê Thị Nga, Lê Trung Sáng, Lê Thị Tánh, Lê Thị Hạnh (con vợ chính); Lê Thị Tự, Lê Thị Tiếu, Lê Phụng Các, Lê Thị Tới (con vợ kế).
Lê Trung Lập xuất thân trong một gia tộc đã qua nhiều đời định cư tại địa phương và có một nền tảng kinh tế khá vững chắc. Thời trẻ, ông có học chữ Nho nhưng không theo con đường khoa cử, mà lấy việc khai khẩn mở mang đất đai, phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho những người nghèo khổ ổn định cuộc sống làm con đường tạo lập cơ nghiệp.
Lúc mới bắt đầu sự nghiệp, Lê Trung Lập theo phụ giúp cho ông Trần Lãng (người có công khai phá, thành lập nhiều thôn ấp trong vùng, thuộc thế hệ đi trước Lê Trung Lập) mộ dân khẩn hoang nhiều vùng thuộc các tổng Hòa Mỹ và Sơn Lạc. Đến năm Tự Đức thứ 36 (1883), Lê Trung Lập được quan Bố chính tỉnh Phú Yên cấp bằng Quản mộ. Ông tự xuất tài lực của gia đình, chiêu mộ và tổ chức dân chúng, phần lớn là những người không có đất đai, sản nghiệp, những lưu dân phiêu bạt từ nhiều phương, tiến hành khai khẩn những vùng đất dọc theo chân núi tại dãy núi phía nam của phủ Tuy Hoà (nay gọi là dãy Đèo Cả). Đây là những vùng đất hoang vu, những thung lũng núi, đầm lầy,… xa cách các trung tâm dân cư, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhiều thú dữ,… mà quá trình khai phá của những lớp người đi trước chưa chinh phục được.
Với uy tín và khả năng qui tụ nhân dân, biện pháp tổ chức khẩn hoang có hiệu quả của ông Lê Trung Lập, cùng với chính sách khuyến khích của nhà nước đương thời, nên việc khẩn hoang được triển khai mạnh mẽ và đạt được những kết quả rõ rệt. Những vùng đất hoang vu rừng rậm dần trở thành những khu vực sản xuất hoa màu, những đồng ruộng trù phú.
Phương thức tổ chức khẩn hoang được tiến hành ở thời kỳ này là: Trên một khu vực đất hoang, tiến hành phân ra từng khoảnh rồi giao cho các cá nhân tuỳ thuộc vào khả năng của mình nhận để khai phá. Khi đã thành đất sản xuất, người lĩnh khai phá được nhận một nửa diện tích, nửa diện tích còn lại sung làm đất công (thi công khai phá thành điền, nhất bán vi tư nhất bán vi công). Phần đất thuộc sở hữu tư nhân cũng được phân thành các loại khác nhau theo hiệu quả sản xuất mà nó mang lại, để thu thuế.
Cùng với hoạt động khẩn hoang, công việc làm thuỷ lợi cũng được chú trọng. Đó là việc khai đào những mương dẫn nước có tác dụng tưới tiêu. Đặc biệt là những công trình thuỷ lợi lớn, là những đập ngăn sông suối để đưa nước vào đồng ruộng trong mùa nắng hạn. Những đập nước này đòi hỏi rất nhiều công sức để thực hiện, phải huy động cả cộng đồng tham gia. Người xưa đắp đập bằng vật liệu chủ yếu là cây rừng cắm xuống lòng sông suối rồi đổ đất ngăn dòng chảy để đưa nước vào những kênh mương, gọi là đập bổi. Việc đắp đập thường được tổ chức hằng năm vào tháng giêng, tháng hai sau tết Nguyên Đán và đến tháng bảy, tháng tám khi bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa thì tháo dỡ để thoát lũ. Những đập lớn còn được lưu tên đến ngày nay như đập Suối Lạnh, đập Bầu Đá, đập Đồng Lau, đập Đồng Tranh, đập Bà Phó,… Trong đó, nhiều đập đã được thay thế bằng vật liệu kiên cố và vẫn phát huy hiệu quả sử dụng.
Trên cơ sở đã ổn định về mặt sản xuất, những xóm làng mới cũng được hình thành ven chân núi, đời sống nhân dân ngày càng sung túc. Kết quả này được báo lên tỉnh và báo về Kinh đô. Kinh phái ông Thân Trọng Điềm, tỉnh phái ông Hồ Khước Phương về địa bàn kiểm tra, xác minh, phân định rõ ranh giới địa vực, lập sổ hộ tịch, đinh điền để nộp thuế. Đến năm Thành Thái thứ 8 (1896), tổng Tuy Lộc được thành lập, ông Lê Trung Lập được quan Bố chính và quan Án sát tỉnh Phú Yên bổ nhiệm làm Chánh tổng. Năm Thành Thái thứ 11 (1899), tổng Tuy Lộc đổi tên thành tổng Hòa Lộc gồm 8 thôn: Mỹ Thành, Mỹ Điền, Mỹ Lâm, Mỹ Cảnh, Mỹ Tường, Mỹ Định, Đa Nông, Tuy Đa.
Hòa Lộc là một trong 7 tổng của phủ Tuy Hòa, được thành lập sau các tổng Hòa Đa, Hòa Bình, Hòa Mỹ, Hòa Lạc, và trước các tổng Hòa Tường, Hòa Đồng. Một số cụ cao niên như Nguyễn Chính Huy, Nguyễn Xuân Hàm ở xã Hòa Thịnh cho biết, trước đây nhân dân địa phương quen gọi tổng Hòa Lộc là tổng Mộ. Một cái tên dân dã nhưng mang nhiều ý nghĩa, phần nào nói lên đặc điểm của một tổng có lịch sử hình thành từ quá trình mộ dân khẩn hoang.
Trong số các thôn thuộc tổng Hòa Lộc, hiện nay một số còn giữ nguyên tên thôn như: Mỹ Điền, Mỹ Lâm, Mỹ Cảnh (thuộc xã Hòa Thịnh); Mỹ Thành (thuộc xã Hòa Mỹ Tây). Các thôn còn lại đã qua nhiều lần tách nhập, thay đổi tên gọi như: Đa Nông, Tuy Đa sáp nhập thôn Mỹ Long vào năm 1901 (nay là một phần lãnh thổ của thôn Phước Lộc, xã Hòa Tâm); Mỹ Tường sau năm 1975 sáp nhập với Quảng Tường, lấy tên là thôn Quảng Mỹ (nay thuộc xã Hòa Mỹ Tây); Mỹ Định không còn tên thôn (phần đất thuộc xã Hòa Tân Tây).
Văn bản của quan tỉnh Phú Yên cấp bằng Chánh tổng cho ông Lê Trung Lập
vào năm Thành Thái thứ 8 (1896)
Cũng trong năm 1899, ông Lê Trung Lập thiết lập thêm một thôn nữa là thôn Hội Khánh, nhập vào tổng Hòa Lạc. Sau khi thiết lập thôn Hội Khánh, Lê Trung Lập đưa gia đình về đây sinh sống và phát triển thêm một chi phái họ Lê ở thôn này. Thôn Hội Khánh sau sáp nhập với các thôn Phú Quý, Phú Lạc lấy tên là Phú Khánh. Đây chính là thôn Phú Khánh ở xã Hòa Tân Tây hiện nay.
Tờ khai công trạng của ông Lê Trung Lập viết năm 1918 cho biết, diện tích đất sản xuất của tổng Hòa Lộc và thôn Hội Khánh lúc mới thành lập là 2.160 mẫu (tương đương 1.057 ha hiện nay). Trong tổng, thôn có 84 suất đinh. Trong số đó, chức ấp 1 người, sai miễn 9 người, thực nộp thuế 74 người. Cộng các loại thuế thu được trong năm là 1.225 đồng.
Ông Lê Trung Lập làm chánh tổng trong 6 năm, đến năm Thành Thái thứ 13 (1901), ông xin nghỉ vì tuổi già. Trong 6 năm thi hành công vụ, ông đã có những đóng góp vào việc ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất, xây dựng đình miếu, hướng sinh hoạt tinh thần dân chúng theo quy củ. Khi đã nghỉ hưu, vẫn thường quan tâm khuyên bảo những người kế nhiệm điều hành công việc trong thôn, tổng.
Để ghi nhận và biểu dương người có công trong việc thực hiện chính sách khẩn hoang, năm Khải Định thứ 4 (1919), triều đình thưởng thụ cho Lê Trung Lập hàm Chánh Bát phẩm văn giai. Một người con của ông là Lê Phụng Các cũng được phong tặng Chánh Cửu phẩm văn giai.
Văn bản của Bộ Lại phong tặng ông Lê Trung Lập hàm Chánh Bát phẩm văn giai
vào năm Khải Định thứ 4 (1919)
Ngày 14 tháng 7 năm Kỷ Mùi (1919), ông Lê Trung Lập qua đời tại thôn Hội Khánh. Năm Khải Định thứ 9 (1924), ông được triều đình ban sắc phong là Khai canh chi thần, giao cho thôn Hội Khánh phụng sự. Tại các thôn trong tổng Hòa Lộc, nhân dân tôn ông là Tiền hiền và thờ cúng tại các đình làng. Mộ ông lúc đầu ở phía tây nam triền núi Một thuộc xã Hòa Tân Tây. Sau năm 1954, hậu duệ họ Lê đã cải táng về phía chân núi, cách vị trí cũ khoảng 70m về phía tây nam, nằm giữa khu mộ của dân làng.
Các thế hệ đời sau của Lê Trung Lập nêu gương tổ tiên, nhiều người học hành đỗ đạt, có đóng góp trong công cuộc kháng chiến và xây dựng quê hương. Tại nhà thờ Lê Trung Lập ở thôn Phú Khánh, xã Hòa Tân Tây, hằng năm hậu duệ họ Lê đều tổ chức cúng giỗ ông vào ngày 14 tháng 7 âm lịch. Hoạt động này hiện nay vẫn được duy trì, vừa mang ý nghĩa phụng sự tổ tiên, tôn vinh công đức tiền nhân, vừa là dịp họp mặt sinh hoạt văn hóa với sự tham gia của đông đảo các thành viên trong tộc họ.
Sắc vua Khải Định năm thứ 9 (1924) phong Lê Trung Lập là Khai canh chi thần
Bài và ảnh: Nguyễn Hữu An